Đặc điểm địa lý tự nhiên
Ninh Đông là xã nông thôn, đồng bằng nằm về phía Bắc thị xã Ninh Hòa. Phía Đông giáp với phường Ninh Đa và xã Ninh An, phía Tây giáp với hai xã Ninh Trung và Ninh Phụng, phía Nam giáp với phường Ninh Hiệp, phía Bắc giáp với xã Ninh An.
Ninh Đông cách trung tâm thị xã Ninh Hòa khoảng gần 1 km và cách thành phố Nha Trang khoảng 35 km về hướng Bắc, là một trong những xã có vị trí quan trọng. Địa bàn xã nằm trên tuyến đường sắt Bắc - Nam. Trong kháng chiến, xã Ninh Đông nằm trên trục hành lang nối từ căn cứ Đá Bàn của ta vào giáp đến ranh giới quận lỵ - trung tâm đầu não của địch. Vùng núi Ổ Gà là căn cứ phía trước, nơi cán bộ du kích xã và nhiều xã bạn đứng chân hoạt động nhiều năm liên tục, đây là một trong những địa danh đi vào lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc.
Tính đến tháng 6 năm 2010, Ninh Đông có tổng diện tích tự nhiên khoảng 867 ha, trong đó tổng diện tích canh tác đối với cây lúa hơn 300 ha (đất làm lúa 2 vụ 230 ha, còn lại 1 vụ lúa và rau màu).
Sông ngòi của Ninh Đông không lớn nhưng theo chiều dài của xã có con sông Lốt (khi xưa bên bờ có nhiều cây rau Lốt) chạy qua. Nhân dân hai bê bờ sông Lốt đã biết tận dụng, khai thác đào mương, đắp đập để tưới tiêu phục vụ sản xuất. Dọc triền sông Lốt luôn bồi đắp thành những bãi cát tự nhiên tạo điều kiện cho việc khai thác phục vụ xây dựng cơ bản, tăng nguồn thu nhập cho địa phương. Ngoài ra, còn có các đập, bến nhỏ đã gắn liền với đời sống con người ở địa phương qua nhiều thế hệ như bến Cây Gáo, Bi Ruột Ngựa, đập Bến Chai, bến Tổng Sáu, bến Bà Đa Dẹo, . . .
Vùng rừng, núi xã Ninh Đông chạy dài theo hướng Bắc và Đông Bắc, theo lối liên sơn gồm những ngọn núi như: Đá Bàn, Hòn Hấu, Ổ Gà. Rừng Ninh Đông ngày xưa có nhiều lâm thổ sản có giá trị kinh tế cao như gỗ trắc, cẩm lai, dáng hương, gụ, . . . có nhiều loại cầm thú như cọp, gấm, báo, công, . . . mà trong dân gian vẫn lưu truyền đến ngày nay: cọp Ổ Gà, ma Đồng Lớn. Nhưng do sự tàn phá của chiến tranh và nhất là do con người khai thác bừa bãi, nguồn tài nguyên này ngày nay cạn kiệt.
Ở các thôn tiếp giáp vùng núi Ổ Gà có những bãi chăn thả rộng, thuận lợi cho việc phát triển chăn nuôi trâu bò.
Cũng như các địa phương khác trên địa bàn thị xã Ninh Hòa, xã Ninh Đông chịu ảnh hưởng trực tiếp của khí hậu nhiệt đới gió mùa nhưng khô ráo ôn hòa, chia làm hai mùa rõ rệt. Nhiệt độ trung bình hàng năm thường trên dưới 260C, các tháng cuối năm và đầu năm trời se lạnh nhưng không rét buốt. Lượng mưa trung bình hàng năm khoảng từ 1.400mm đến 1.800mm nhưng rải không đều, hàng năm mưa nhiều vào tháng 9, tháng 10 âm lịch.
Với vị trí địa lý và điều kiện thiên nhiên ưu đãi nói trên, Ninh Đông là vùng đất có nhiều thuận lợi cho việc phát triển nông nghiệp với nhiều loại cây trồng, vật nuôi, thúc đẩy giao lưu hàng hóa, phục vụ đắc lực sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Lịch sử hình thành và phát triển địa lý hành chính
Năm 1653, sau khi đánh bại quân Chiêm Thanh, chiếm căn cứ vùng đất mới, mở rộng đất Việt Nam đến sông Phan Rang (tỉnh Ninh Thuận ngày nay), chúa Nguyễn Phúc Tần cho lập dinh Thái Khang gồm 2 phủ: phủ Thái Khang và phủ Diên Ninh. Phủ Thái Khang ở phía Bắc có 2 huyện Quảng Phước và Tân Định. Lúc bấy giờ xã Ninh Đông thuộc Tổng Phước Khiêm, huyện Quảng Phước.
Năm 1690, phủ Thái Khang đổi thành phủ Bình Khang, tên dinh Thái Khang thành dinh Bình Khang.
Năm 1803 (năm Gia Long thứ hai), dinh Bình Khang đổi thành trấn Bình Hòa, phủ Bình Khang đổi thành phủ Bình Hòa. Năm 1831 (năm Minh Mạng thứ 12), phủ Bình Hòa đổi thành phủ Ninh Hòa. Đến năm Nhâm Thìn (1832), trấn Bình Hòa được đổi thành tỉnh Khánh Hòa.
Năm 1910 (thời vua Duy Tân) bỏ huyện Quảng Phước giao cho phủ Ninh Hòa kiêm lý. Đến những năm 1930 - 1931, chính quyền thực dân Pháp sáp nhập huyện Tân Định và 3 tổng của huyện Quảng Phước cũ do phủ Ninh Hòa kiêm lý là tổng Phước Khiêm, Phước Hà Nội, Phước Hà Ngoại thành phủ Ninh Hòa, phần còn lại của phủ Ninh Hòa cũ lấy tên huyện Vạn Ninh. Ninh Đông lúc này thuộc tổng Phước Khiêm, phủ Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Tổng phụ trách nhiều làng, đứng đầu làng là có lý trưởng, bên cạnh đó còn có bộ máy giúp việc gọi là ngũ hương: hương kiểm, hương bộ, hương bản, hương mục và hương dịch.
Đầu năm 1946 (sau ngày Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa đầu tiên 06/01/1946), tổ chức hành chính cấp xã được thành lập, làng cũ được đổi thành thôn.
Khi đơn vị hành chính cấp xã thành lập, tổng Phước Khiêm chia thành các xã: Liên An, Tiến Thắng, Cộng Hòa. Xã Liên An gồm các thôn: Nội Mỹ, Phước Thuận, Văn Định, Phú Văn, Bình Thới. Xã Cộng Hòa có các thôn: Quang Đông, Phú Nghĩa. Xã Tiến Thắng có một số tổ dân phố của phường Ninh Đa ngày nay. Vài tháng sau, hai xã Cộng Hòa và Tiến Thắng hợp nhất thành xã Tiến Thắng.
Năm 1949, toàn huyện có 18 xã nhỏ, hợp nhất thành 7 xã lớn; xã Liên An lúc bấy giờ hợp nhất với xã Việt Hưng lấy tên là xã Hòa Nghĩa (nay thuộc phạm vi các xã Ninh Phú, Ninh Đông và phường Ninh Đa).
Tháng 3/1953, Liên An tách ra khỏi xã Hòa Nghĩa và trở lại đơn vị hành chính xã như trước.
Trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, vào đầu năm 1955, chính quyền Ngô Đình Diệm sắp xếp lại các đơn vị hành chính. Lúc bầy giờ các thôn Nội Mỹ, Phước Thuận, Văn Định, Quang Đông, Phú Nghĩa thuộc liên xã Ninh Thuận. Thôn Phú Văn thuộc xã Ninh Sơn. Thôn Bình Thới hợp nhất với thôn Phú Lễ lấy tên thôn Phú Bình thuộc xã Ninh Phụng.
Năm 1956, tách hai thôn Quang Đông, Phú Nghĩa của liên xã Ninh Thuận và một phần của thôn Vĩnh Phú thành lập xã Ninh Vĩnh.
Đầu năm 1959, xã Ninh Vĩnh giải thể, hai thôn Quang Đông, Phú Nghĩa của xã Ninh Vĩnh hợp nhất với liên xã Ninh Thuận lấy tên xã Ninh Đông. Như vậy, tên gọi xã Ninh Đông chính thức có từ năm 1959 bao gồm 5 thôn: Nội Mỹ, Phước Thuận, Phú Văn, Thạch Định, Phú Sơn.
Năm 1961, ba thôn Phú Văn, Thạch Định, Phú Sơn của xã Ninh Sơn nhập về xã Ninh Đông; xã Ninh Đông lúc này bao gồm 8 thôn: Nội Mỹ, Phước Thuận, Văn Định, Quang Đông, Phú Nghĩa, Phú Văn, Thạch Định, Phú Sơn.
Năm 1963, hai thôn Thạch Định, Phú Sơn sáp nhập lại lấy tên là thôn Thạch Sơn.
Ngày 23 tháng 10 năm 1978, theo Quyết định số 268-CP của Chính phủ nước Cộng hòa xã hôị chủ nghĩa Việt Nam thành lập thị trấn Ninh Hòa thuộc huyện Khánh Ninh, địa giới hành chính xã Ninh Đông có sự thay đổi. Cắt nữa thôn Quang Đông (phía Đông đường sắt) của xã Ninh Đông nhập về thị trấn Ninh Hòa, cắt một phần thôn Vĩnh Phú (phía Tây đường sắt) của thị trấn Ninh Hòa nhập vào thôn Quang Đông - xã Ninh Đông.
Tháng 3 năm 1979, trước yêu cầu phát triển của quê hương, nhằm tạo điều kiện phù hợp cho mỗi địa phương có thể phát huy cao độ mọi tiềm năng của mình, cũng như một số địa phương khác, xã Ninh Đông có sự thay đổi về mặt hành chính: cắt các thôn Phú Văn, Thạch Sơn của xã Ninh Đông hợp nhất với các thôn Quảng Cư, Mông Phú, Vĩnh Thạnh, Tân Ninh của xã Ninh Thượng thành lập xã Ninh Trung.
Như vậy, về tổ hành chính, từ tháng 3 năm 1979 đến nay, xã Ninh Đông có 5 thôn: Quang Đông, Phú Nghĩa, Văn Định, Phước Thuận và Nội Mỹ. Tính đến tháng 6 năm 2010, xã Ninh Đông có 6.267 người với 1.272 hộ gia đình.
|